Tiểu đường được xem như “kẻ giết người thầm lặng” bởi nó gắn liền với nhiều biến chứng nguy hiểm ở các cơ quan như não, thần kinh, thận, mắt … Hãy thật sự cảnh giác nếu người bệnh hoặc thấy người thân bị bệnh có những dấu hiệu nguy hiểm như sau:
- Đường huyết cao trên 15mmol/L. (Mức đường huyết bình thường là : Trước bữa ăn: 5,0- 7,2mmol/l, sau bữa ăn 1-2 giờ: nhỏ hơn 10mmol/l, trước lúc đi ngủ: 6,0-8,3mmol/l)
- Triệu chứng khát nước nhiều, đi tiểu nhiều tăng lên;
- Đau chân khi đi lại;
- Vã mồ hôi, run chân tay;
- Đau bụng, nôn, buồn nôn;
- Có các biểu hiện của biến chứng như lú lẫn, ý thức chậm chạp hoặc hôn mê, sốt kéo dài, tê chân tay, loét chân, đau ngực, khó thở, tiểu ít, phù, mờ mắt, liệt, ho kéo dài…
Ngoài ra cũng cần chú ý đến các biến chứng nặng có tính chất cấp cứu của những bệnh nhân tiểu đường để xử trí kịp thời như:
- Hôn mê tăng thẩm thấu: Bệnh nhân tiểu đường đang điều trị có thêm các tình trạng làm mất nước như sốt, dùng thuốc lợi tiểu, uống ít nước do một lý do nào đó… hoặc dùng thuốc làm tăng đường huyết như steroid…
- Bệnh nhân có biểu hiện khát nước tăng lên, ý thức chậm chạp, ngủ nhiều rồi đi dần vào hôn mê.
- Hôn mê nhiễm toan-ceton: Bệnh nhân tiểu đường đang dùng insulin tự ý bỏ thuốc hoặc có thay đổi chế độ dùng thuốc như do nhầm lẫn, hay có thêm biểu hiện của bệnh nhiễm trùng, chấn thương. Biểu hiện của tình trạng cấp cứu là bệnh nhân tiểu nhiều, buồn nôn và nôn, đau bụng, ý thức chậm chạp dần rồi đi vào hôn mê.
- Hôn mê hạ đường huyết: Đây là tình trạng bệnh nhân bị hạ đường huyết do uống thuốc hay tiêm thuốc insulin quá liều hoặc dùng thuốc đúng liều nhưng bệnh nhân bỏ ăn, ăn ít; hoạt động thể lực nhiều hơn ngày thường.
- Triệu chứng xảy ra bao gồm ý thức chậm chạp, lú lẫn, vã mồ hôi, run chân tay, cảm giác đói dữ dội và nặng thì gây hôn mê.
Hướng xử lý trong trường hợp khẩn cấp
Khi thấy những dấu hiệu nguy hiểm ở trên, bệnh nhân cần được đưa ngay tới cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không được tự ý chăm sóc bệnh tại nhà, tránh tuyệt đối những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
- Khi nghi ngờ là hạ đường huyết, cần gọi ngay xe cứu thương ngay lập tức.
- Người bệnh nên được chuyển tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Điều trị sốc cho bệnh nhân, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và đo ngay lượng đường huyết nếu được.
- Nếu nạn nhân còn tỉnh có thể nhai nuốt, hãy cho ăn những thực phẩm chứa glucose (kẹo, nước ngọt,…).
- Đừng cho nạn nhân bất tỉnh ăn đường, vì chúng có thể gây tắc nghẽn khí quản.
- Một số nạn nhân sẽ mang theo thiết bị kiểm soát Insulin, nếu có, hãy để bệnh nhân tự xử lí.
Tương tự với trường hợp tăng đường huyết, bệnh nhân cần được đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không được tự ý chăm sóc bệnh tại nhà để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.