Suy tim ở người cao tuổi

BS Phan Hữu Phưóc – Thạc Sĩ Lão Khoa

Giám Đốc Phòng Khám Lão Khoa Med-Vie TpHCM

Biểu hiện lâm sàng điển hình của suy tim là:
¨    Khó thở : thường là khó thở khi gắng sức, sau đó khó thở xuất hiện cả khi nghỉ ngơi. Có thể bị khó thở ban đêm phải  ngồi dậy để thở.
¨    Mệt mỏi : người bệnh suy tim hay than phiền là dễ mệt khi làm việc và không gắng sức được.
¨    Phù chân : thường nặng về buổi chiều và giảm nhẹ vào buổi sáng. Kèm theo phù chân có thể có hiện tượng tức và nặng vùng gan hạ sườn phải. Nặng hơn có thể có tràn dịch màng phổi lượng ít.

Các biểu hiện không điển hình của suy tim là:
¨    Ho khan không có đờm kéo dài ho nhiều khi nằm. Sau khi đã loại trừ các nguyên nhân hô hấp cần phải nghỉ đến suy tim.
¨    Tiểu đêm : do hiện tượng ứ đọng dịch trong cơ thể cả ngày, ban đêm trong tư thế nằm lượng máu đến thận nhiều hơn dẫn đến thận lọc và tạo nước tiểu nhiều hơn. Bệnh nhân tiểu lượng nước tiểu nhiều, nhưng tiểu dễ, không gắt, buốt. Ở người cao tuổi tiểu cần phải loại trừ do tiền liệt tuyến lớn, suy thận, mất ngủ.

Xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán suy tim là :
¨    Chụp X quang tim phổi : Chụp x quang tim phổi thẳng trước sau có thể hình bóng tim lớn. Tùy theo dạng suy tim tâm thu hay suy tim tâm trương kiểu lớn phim Xquang sẽ khác nhau.
¨    Siêu âm tim : siêu âm tim là xét nghiệm đơn giản không gây tổn sức khoẻ người bệnh, ít tốn kém nhưng giúp ích rất nhiều trong suy tim tâm thu, hạn chế hơn trong suy tim tâm trương.

Phòng ngừa suy tim :
Khác với người trẻ suy tim có thể do nguyên nhân. Nhưng đa số trường hợp suy tim ở người cao tuổi là do cao huyết áp không điều trị hoặc điều trị không đúng mức và thiếu máu cục bộ cơ tim.
Để phòng ngừa suy tim người bị cao huyết áp dù ở mức độ nhẹ và không có triệu chứng nhức đầu hay mệt cũng phải điều trị đưa huyết áp về dưới 140/90 mmHg. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cưú trong những trường hợp tăng huyết áp nhẹ này sau nhiều năm vẫn dẫn đến suy tim, suy thận và nhiều biến chứng khác nếu không điều trị.
Thiếu máu cục bộ cơ tim là hậu qủa của xơ vữa động mạch làm hẹp lòng động mạch đến nuôi tim. Đây là tiến trình của qúa trình lão hóa do vậy cần phải phòng ngừa xơ vữa động mạch từ những năm còn trẻ.
Một thể suy tim khác thường gặp ở người cao tuổi là suy tim do phổi thường là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hay hen phế quản. Hầu hết các trường hợp bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là do hút thuốc lá nhiều, lâu năm.

Điều trị suy tim :
Điều trị nguyên nhân dẫn đến suy tim.
Dùng thuốc điều trị suy tim : tất cả các thuốc điều trị suy tim đều phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Bà con không nên tự ý dùng thuốc lợi tiểu dù ở dạng thuốc tây, thuốc nam, thuốc bắc trong những trường hợp có phù vì lợi tiểu dùng không đúng cách sẽ dẫn đến nhiều tác dụng phụ rất nguy hiểm do thuốc lợi tiểu.
Trong sinh hoạt hàng ngày người bệnh suy tim cần lưu ý :
¨    Hạn chế vận động thể lực nặng. Việc tập thể dục chơi thể thao cần phải hạn chế theo tình trạng bệnh. Nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị về mức độ tâp thể dục chơi thể thao. Trong những trường hợp suy tim nặng cần phải nghỉ ngơi tuyệt đối tại gường. Sau đó tập vận động tăng dần khi các triệu chứng suy tim thuyên giảm. 
¨    Kiêng ăn mặn : không nên ăn qúa 1/3 muỗng cà phê muối trong một ngày. Đây là chế độ ăn muối rất hạn chế hầu như không nên muối trong tất cả các món ăn nên đa số người bệnh khó tuân thủ đúng.
¨    Theo dõi cân nặng mỗi ngày khi cân nặng tăng trên 1,5kg nhanh bất ngờ phải báo cho bác sĩ điều trị biết đây là dấu hiệu báo động tình trạng bệnh không ổn định. Trong những trường hợp suy tim nặng hay có dùng thuốc lợi tiểu cần theo dõi thêm lượng nước uống vào và lượng nước tiểu ra mỗi ngày. Cả hai dấu hiệu cân nặng và lượng nước xuất, nhập mỗi ngày phải ghi vào sổ theo dõi.
¨    Khi suy tim đến giai đoạn cuối cùng chất lượng cuộc sống  của người bệnh rất thấp. Người thân cần động viên tinh thần cố gắng tạo những tiện nghi tốt nhất cho người bệnh./.