Bà N.T.H., 70 tuổi, ở quận Bình Tân, đang nấu cơm cảm thấy choáng váng, mọi thứ xoay vòng, vội kêu đứa cháu đến đỡ nằm xuống giường. Người nhà sợ quá, đưa đến một dược sĩ bán thuốc tây gần nhà, được chẩn đoán cao huyết áp (CHA) và bán cho bà H. tiếp 3 ngày thuốc. Sau 2 ngày uống thuốc, bà H. mệt, đứng không vững, hoa mắt rồi té xuống sàn nhà. Gia đình vội đưa bà H. đi cấp cứu, bác sĩ cho biết bà H. bị tụt huyết áp.
Theo ThS.BS. Phan Hữu Phước, Giám đốc Phòng khám lão khoa Med – Vie, trường hợp của bà H. do CHA giả tạo. Trong thực tế có rất nhiều trường hợp người có hiện tượng tăng huyết áp giả tạo, nghĩa là bản thân không bị nhưng lại được chẩn đoán là CHA và được điều trị như CHA. Hậu quả là có nhiều trường hợp bị tụt huyết áp quá nặng phải đến bệnh viện cấp cứu.
Số huyết áp trung bình của người Việt Nam là 120/80 mmHg, nhiều người gọi tắt 12/8, trong đó 12 gọi là số huyết áp trên, 8 gọi là số huyết áp dưới. Hơn 10 năm trước đây theo Tổ chức sức khỏe thế giới, gọi là CHA khi số huyết áp trên cao hơn 16 hoặc số huyết áp dưới cao hơn 9,5. Ở người cao tuổi, huyết áp 16 – 17 vẫn xem là bình thường không cần điều trị. Nhưng quan niệm hiện nay có nhiều khác biệt, gọi là CHA khi số huyết áp trên cao hơn 14 hoặc số huyết áp dưới cao hơn 9 và ở người cao tuổi mức huyết áp 16 – 17 vẫn gây hại cho tim, não, mạch máu… nên phải điều trị đưa huyết áp về dưới 14/9.
CHA có 5 triệu chứng chính:
– Nhức đầu: phía sau gáy hay trước trán, thường vào buổi sáng, đôi khi kéo dài cả ngày.
– Chóng mặt: cảm giác đi đứng không vững và hơi nặng đầu.
– Mệt: cảm giác nặng ở ngực và hơi khó thở.
– Yếu liệt tay chân vài giây đến vài phút.
– Chảy máu cam tái phát nhiều lần, mỗi lần chảy máu giọt nhanh và nhiều do áp lực máu cao làm vỡ mạch máu nhỏ ở niêm mạc mũi. Nếu CHA không được phát hiện và chữa trị thì tình trạng chảy máu cam sẽ tái phát nhiều lần. Tuy nhiên, các triệu chứng này còn gặp trong nhiều bệnh khác, nên người nhà cần lưu ý khi đo huyết áp thấy cao có thể là tăng huyết áp thực sự nhưng một số là tăng huyết áp giả tạo.
Hiện tượng CHA giả tạo thường do 2 nguyên nhân:
– Do hồi hộp lúc đến khám bệnh làm tim đập nhanh, huyết áp tăng, nhiều trường hợp số huyết áp trên có thể tăng 160 đến 180 mmHg, nhưng hiếm khi 200 mmHg. Trong những thực hiện tăng huyết áp giả tạo luôn đi kèm với nhịp tim nhanh, người bệnh có cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực…, sau khi trấn an và nghỉ ngơi khoảng 30 phút thì huyết áp và nhịp tim về bình thường. Cũng có nhiều trường hợp phải nghỉ đến vài giờ số huyết áp trên mới về bình thường. Trong những trường hợp khó khăn hơn nữa phải thực hiện đo huyết áp tại nhà mới xác định được tăng huyết áp giả tạo.
– Do xơ cứng động mạch cánh tay làm cho số huyết áp trên đo được cao hơn thực tế. Hiện tượng này có thể gặp ở 10% người già. Trong những trường hợp này bác sĩ sẽ cho thực hiện một số nghiệm pháp đặc biệt để xác định tình trạng tăng huyết áp giả tạo ở người cao tuổi này.
Nếu không xác định được tăng huyết áp giả tạo mà điều trị như CHA thực sự có thể gây nhiều nguy hiểm cho người bệnh như tình trạng tụt huyết áp, hạ huyết áp tư thế đứng, đây là hiện tượng người đang nằm hoặc ngồi đứng dậy nhanh thấy bị hoa mắt không đứng vững được và bị té ngã đột ngột, có nhiều trường hợp tình trạng té ngã này đã gây chấn thương sọ não…
Do vậy khi đo huyết áp tại nhà thấy cao, không nên tự ý dùng thuốc mà phải đến bác sĩ khám lại xem có phải là CHA thực sự hay không…