Biểu hiện chủ yếu của sa sút trí tuệ là bệnh nhân hay quên với cường độ tăng dần theo thời gian.
Một công trình nghiên cứu về stress ở nhân viên y tế năm 2005 của Bệnh viện (BV) Tâm thần TPHCM cho thấy hơn 50% đối tượng tham gia nghiên cứu bị một số biểu hiện do stress gây ra như lo lắng, tức ngực, hồi hộp, mất ngủ, dễ gắt gỏng, cáu kỉnh, mất khả năng tập trung, đau lưng đau cổ…
Thủ phạm: Stress
Những người phải sống trong một môi trường thường xuyên có tiếng ồn, làm việc căng thẳng, lo lắng… thì rất dễ bị giảm trí nhớ. Một số triệu chứng trầm cảm dễ nhận thấy là cảm giác buồn rầu, mất hứng thú trong cuộc sống, luôn cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, ăn kém, ngủ kém, bi quan về tương lai… Và khi bị chứng đãng trí, những người này càng trở nên bận rộn hơn do tốn thời gian để nhớ và tìm kiếm những thứ đã bị “tạm thời lãng quên”. Khi đó họ rơi vào tình trạng luẩn quẩn, càng bận rộn thì càng dễ stress và hay bị đãng trí.
Hiện tượng hay quên không phải là mất thông tin hoặc hoàn toàn mất trí nhớ mà là sự thất bại trong việc tái lập thông tin. Chứng hay quên bắt đầu xảy ra ở trẻ 12 tuổi vì khi đó cơ thể bắt đầu có những thay đổi về hoóc môn cũng như thể lực làm cho não có đôi chút “chệch đường”. Nhiều người nghĩ rằng con em mình còn nhỏ nên trí nhớ sẽ còn phát triển thêm, do đó họ cố nhồi nhét cho trẻ nhiều thông tin, kiến thức. Chính từ quan điểm sai lầm này mà nhiều trẻ học nhiều nhưng nhớ không được bao nhiêu. Còn những người bận rộn tuy làm việc hằng ngày nhưng chỉ làm một số việc lặp đi lặp lại sẽ khiến cho não chỉ làm việc ở một vùng nhất định. Kết quả là những vùng não khác sẽ bị “ngủ quên”.
Hơn 10% người già bị bệnh sa sút trí tuệ
Ở những người trên 65 tuổi, giảm trí nhớ là triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ (Alzheimer). Tỉ lệ bệnh sa sút trí tuệ ở người trên 65 tuổi tại TPHCM chiếm khoảng 10%. Bác sĩ Phan Hữu Phước, Giám đốc PHÒNG KHÁM LÃO KHOA MEDVIE, TPHCM, lưu ý ở người già suy giảm trí nhớ có thể do tuổi hoặc do bệnh lý. Nếu suy giảm trí nhớ do tuổi, bệnh nhân vẫn nhớ những chuyện đã xảy ra từ lâu nhưng lại khó nhớ tên những người vừa mới gặp hoặc quên một việc vừa dự định làm. Còn bệnh nhân bị suy giảm trí nhớ do bệnh lý quên luôn những đồ vật dùng rất thường xuyên và quên cách sử dụng những đồ vật dùng đã nhiều lần. Ngoài ra, họ thường lặp lại một câu chuyện trong cùng một buổi trò chuyện, không phân biệt tiền và khó giữ tiền, không giữ được nếp sinh hoạt hằng ngày… Biểu hiện chủ yếu của sa sút trí tuệ là bệnh nhân hay quên với cường độ tăng dần theo thời gian. Mới đầu để đồ đâu quên đó, vặn nước quên tắt rồi từ từ quên tên đường, quên tên đồ vật, quên tên con cái, quên khả năng đọc viết…, cuối cùng là quên cách ăn uống và vệ sinh cá nhân.
Ở những bệnh nhân bị sa sút trí tuệ, tùy theo loại nguyên nhân mà hiện nay có những loại thuốc điều trị rất hiệu quả nhưng phải theo đúng chỉ định của thầy thuốc và tái khám định kỳ. Hiện nay chứng suy giảm trí nhớ ở người già vẫn chưa được quan tâm đúng mức do quan niệm sai lầm tuổi già là phải quên, phải lẫn. Khoảng 50% trường hợp bị suy giảm trí nhớ nhẹ chuyển thành sa sút trí tuệ trong vòng 3 năm sau. Vì vậy, bác sĩ Phan Hữu Phước khuyến cáo việc phát hiện và điều trị sớm những dấu hiệu suy giảm trí nhớ rất quan trọng.
Luyện tập trí não thường xuyên
Đối với những người bận rộn và thường xuyên bị stress, cách tốt nhất để “giữ chân trí nhớ” là sắp xếp công việc hợp lý, lập thời gian biểu và danh sách những việc cần làm trong ngày, để đầu óc thư giãn và nghỉ ngơi sau khi ra khỏi văn phòng, đặt ra giờ ngủ và giờ dậy cụ thể, tập thể dục đều đặn mỗi ngày… Bên cạnh đó cũng nên “tập nhớ” để đánh thức trí nhớ như đọc sách, nghe các bài nhạc êm ái và học thuộc lời bài hát, học thuộc lòng những số điện thoại hay sử dụng, kể lại các kỷ niệm của mình, lặp tên người vừa mới gặp, sắp xếp đồ vật với những chỗ cố định…
Ở người lớn tuổi, nếu “đãng trí” chỉ ở mức suy giảm trí nhớ thì không nên dùng thuốc mà nên tập các bài tập cho trí não, tập thể dục đều đặn, tránh uống rượu…