THIẾU MÁU Ở NGƯỜI CAO TUỔI

Thiếu máu là bệnh tương đối thường gặp. Bệnh phát triển tương đối âm thầm, khi trở nặng có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. Bệnh tiến triển chậm, khi tình trạng thiếu máu quá nặng có thể gây ngất xỉu, té chấn thương đầu rất nguy hiểm. Nếu được phát hiện điều trị sớm có thể tránh được những tình huống nguy hiểm này. Người cao tuổi thường gặp hai dạng thiếu máu:

Thiếu máu do thiếu vitamin B12

Vitamin B12 là chất cần thiết, quan trọng trong hoạt động bình thường của cơ thể. Khi cơ thể thiếu vitamin B12 lâu ngày có thể gây ra các chứng bệnh như: thiếu máu, tổn thương thần kinh, dị cảm, giảm thị lực, mất trí nhớ, chán ăn, viêm lưỡi.

Thiếu máu do thiếu vitamin B12 có đặc điểm chung của bệnh thiếu máu là tình trạng xanh xao dễ mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, ngất xỉu, giảm khả năng gắng sức… Nhưng dù bị thiếu máu nhưng khi xem dưới kính hiển vi thì lại thấy hồng cầu to hơn bình thường. Nên trong y học gọi đây là bệnh thiếu máu hồng cầu to.

Tổn thương hệ thần kinh do thiếu vitamin B12 phát triển tương đối chậm, nếu điều trị sớm có khả năng hồi phục tốt, trong các trường hợp điều trị trễ có thể để lại di chứng lâu dài. Bệnh có những biểu hiện như mất cảm giác khu trú một vùng cơ thể bị chi phối bởi dây thần kinh bị tổn thương. Đôi khi xuất hiện những cơn đau dữ dội lan tỏa khắp người. Ngoài ra, người bệnh còn thấy yếu hay liệt tay chân.

Gần đây, tại hội nghị Lão khoa thế giới 1998 tại Genève Pháp có một công trình nghiên cứu về vấn đề thiếu vitamin B12 ở người cao tuổi cho kết quả là người cao tuổi thiếu vitamin B12 có tần suất bị tai biến mạch máu não và cao huyết áp cao hơn nhóm không bị thiếu vitamin B12.

Người ta nhận thấy có một số nguyên nhân sau đây gây ra tình trạng thiếu vitamin B12:

+ Chế độ ăn uống không thích hợp cơ thể, gặp ở người ăn chay lâu năm.

+ Cắt dạ dày toàn phần.

+ Thiếu yếu tố cần thiết cho việc hấp thu vitamin B12 bẩm sinh (gọi là yếu tố nội tai)

+ Bệnh lý đường ruột như chứng kém hấp thu .

+ Ở người cao tuổi có khoảng 10 – 30% bị giảm khả năng hấp thu vitamin B12 tự phát.

Vitamin B12 có trong thức ăn như gan, thịt, có ít trong đậu, vitamin B12 không có trong rau xanh. Khi thức ăn vào trong dạ dày, vitamin B12 gắn kết với một chất được tiết ra từ dạ dày gọi là yếu tố nội tại, sau đó hợp chất này đến ruột non, tại đây vitamin B12 được hấp thu vào máu và được dự trữ ở gan. Lượng vitamin B12 dự trữ ở gan. Lượng vitamin B12 dự trữ ở gan đủ cho cơ thể sử dụng trên 12 năm!

Như vậy trong các nguyên nhân gây thiếu vitamin B12 nêu trên, ta cần lưu ý đến người cao tuổi có tỉ lệ bị thiếu vitamin B12 khá cao 10 -30%. Bệnh phát triển âm thầm tiềm ẩn vì vitamin B12 dự trữ ở gan đủ dùng trong 2 năm cho nên ở người cao tuổi cần lưu ý để phát hiện sớm bệnh.

Nhưng ngừa bệnh vẫn hơn là chữa bệnh, do vậy sau tuổi 50 cần lưu ý bổ sung vitamin B12 bằng cách ăn thức ăn có chứa nhiều vitamin B12 như : gan, thịt hoặc uống thêm thuốc bổ có chứa vitamin B12 như: Arphos, Trivitamina B, Vitaminamin B12, Synervit. Không cần dùng quá nhiều vì nhu cầu vitamin B12 của cơ thể thấp, chỉ khoảng 6 microgam mỗi ngày. Cũng không cần dùng liên tục vì vitamin B12 được dự trữ ở gan. Chúng ta có thể dùng một thời gian rồi nghỉ sau đó dừng lại .

Thiếu máu thiếu sắt

Thiếu máu thiếu sắt do số lượng sắt cung cấp cho nhu cầu hàng ngày của cơ thể bị thiếu hoặc bị mất do chảy máu rỉ rả ở đường tiêu hóa.

Thiếu máu thiếu sắt do không cung cấp đủ chất sắt cho cơ thể, thường ở người cao tuổi bị lão suy, dinh dưỡng kém hay do bệnh lý đường ruột kém hấp thu sắt.

Thiếu máu thiếu sắt do mất máu rỉ rả qua đường tiêu hóa có thể gặp ở đối tượng làm rẫy đi chân đất, dùng phân sống để tưới cây nên dễ bị nhiễm giun móc. Ở người cao tuổi thường bị đau lưng, nhức khớp nên thường xuyên dùng các loại giảm đau, nếu không có sự theo dõi của bác sĩ nên rất dễ bị viêm loét dạ dày. Nhưng ở người cao tuổi tình trạng loét dạ dày có thể ở dạng câm, nghĩa là không thấy đau bụng vùng chấn thủy dù có tình trạng loét dạ dày tá tràng cho đến khi bị biến chứng chảy máu hay thủng dạ dày tá tràng.

Như vậy để phát hiện sớm thiếu máu thiếu sắt, ta cần lưu ý các triệu chứng sau đây:

– Da xanh xao, niêm mạc mắt nhợt nhạt.

– Người thường xuyên mệt mỏi.

– Trong giai đoạn sớm người bệnh có thể cảm thấy bình thường.

Thiếu máu thiếu sắt xảy ra khi lượng sắt trong cơ thể thiếu khá nhiều, không đủ cho nhu cầu tạo tế bào máu. Khi số lượng tế bào máu trong cơ thể quá thấp dẫn đến không cung cấp đủ oxy cho cơ thể, đặc biệt là não nên có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy não và gây ra triệu chứng chóng mặt và ngất xỉu.

Để chẩn đoán sớm tình trạng thiếu máu thiếu sắt, ngoài việc đưa vào các triệu chứng lâm sàng như trên, bác sĩ sẽ cho làm thêm các xét nghiệm xác định số lượng tế bào máu, định lượng hàm lượng sắt trong máu…

Trong điều trị, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

Dinh dưỡng đầy đủ hợp lý là yếu tố quan trọng trong điều trị và ngừa bệnh. Thức ăn có nhiều chất sắt như thịt, cá, trứng, khoai tây, đậu, củ dền. Sắt có trong thực vật khó hấp thu hơn vì không phải là dạng sắt cơ thể thường sử dụng. Việc uống trà và sữa có thể làm giảm hấp thu sắt.

Việc cung cấp chất sắt là quan trọng ở người già, phụ nữ, trẻ em nhưng cũng không nên cung cấp quá dư thừa sẽ gây ra bệnh dư chất sắt cũng rất nguy hiểm.

Chúng ta có thể dùng thêm sắt dưới dạng muối Sulphat, gluconate cũng rất tốt. Chỉ cần dùng dưới dạng uống và cũng nên có sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ.

Điều trị các nguyên nhân gây ra chảy máu ở dạ dày như dùng thuốc trị giun móc, thuốc trị loét dạ dày tá tràng.

Sau thời gian điều trị vài tuần bác sĩ sẽ cho xét nghiệm đánh giá lại tình trạng thiếu máu. Nhưng để có sức khỏe hồi phục tương đối có thể sẽ mất nhiều tháng, bà con cần kiên nhẫn trong theo dõi và hợp tác.

BS. Phan Hữu Phước – GIÁM ĐỐC PHÒNG KHÁM LÃO KHOA MEDVIE