TÌNH DỤC VÀ RỐI LOẠN TÌNH DỤC TUỔI GIÀ

1. Sau 50 tuổi

Hoạt động tình dục sau tuổi 50 đối với nam cũng như nữ có 3 đặc điểm sau đây:

– Giảm tần suất hoạt động tình dục.

– Giảm hứng thú tình dục.

– Tăng tỷ lệ bị rối loạn chức năng tình dục.

Mức độ giảm hứng thú và giảm khả năng hoạt động tình dục vẫn chưa được xác định chính xác. Theo P. Alarie và cộng sự cho biết công trình nghiên cứu Thụy Điển đã chọn mẫu nghiên cứu khá tiêu biểu gồm những người trên 70 tuổi (nam + nữ). Kết quả cho thấy 46% đàn ông còn quan hệ tình dục ở độ tuổi này trong khi đó đối với phụ nữ ở tuổi 70 chỉ còn 16%. Theo những công trình nghiên cứu và thăm dò ở Hoa Kỳ từ 40 năm nay, 70% những người khỏe mạnh ở tuổi thất thập vẫn hoạt động tình dục đều đặn. Các hoạt động tình dục chủ yếu là hành vi giao hợp.

2. Lão hóa chức năng tình dục

Các cơ quan sinh dục cũng bị ảnh hưởng khi các hệ thống nội tiết, thần kinh và mạch máu bị lão hóa. Khả năng đáp ứng tình dục đương nhiên bị tác động tùy theo phái tính. Chu kỳ đáp ứng tình dục được chia thành 3 pha:

– Pha ham muốn tình dục.

– Pha kích thích tình dục.

– Pha cực khoái.

Trong quá trình ham muốn tình dục có sự kiểm soát của androgen mà quan trọng nhất là chất testosteron. Qua theo dõi hồ sơ bệnh án, có những người duy trì được bản năng ham muốn tình dục ở độ tuổi rất cao nhưng cũng có những người bị giảm đáng kể hoặc bị mất luôn sự ham muốn tình dục. Có lẽ là do hậu quả giảm testosteron và tăng ngưỡng kích hoạt các thụ cảm androgen trung ương nằm trong vùng hạ đồi (hypothalamus) và hệ thống viền (système limbique).

Trong pha kích thích tình dục, đàn ông thì dương vật cương lên còn phụ nữ thì có chất nhờn làm trơn âm đạo và có hiện tượng xung huyết âm hộ. Các hiện tượng xung huyết này hoàn toàn phụ thuộc vào cơ chế mạch máu và thần kinh.

Khi đến tuổi già, rối loạn dễ bị tác động nhất đối với đàn ông là rối loạn cương dương vật.

– Lâu cương dương vật. Tình trạng giảm khả năng cương dương vật do quá trình lão hóa được gọi là presbyrectie (tạm dịch: lão cương).

– Để làm cương dương vật và duy trì tình trạng cương, người già vừa cần kích thích sinh dục nhiều hơn vừa cần sự kích thích kích dục tâm lý.

– Thời gian duy trì tình trạng cương giảm dần theo tuổi.

– Cương nhạy cảm hơn đối với xúc cảm và sang chấn tâm lý (stress).

Đối với phụ nữ thì có tình trạng teo và khô âm đạo do thiếu oestrogen, còn đối với phụ nữ đã sinh đẻ có khi là do trùng giãn âm đạo kết hợp với thoát vị bàng quang và thoát vị trực tràng. Thời gian để có được chất nhờn trơn âm đạo lâu hơn.

Trong lúc đạt cực khoái người đàn ông lão hóa phóng tinh dịch ít hơn. Đối với đàn ông 70 tuổi sau 1 lần đạt cực khoái phải cần đến 48 giờ hoặc hơn để có thể đạt được cực khoái lần thứ hai.

Đối với phụ nữ không có thay đổi gì có nghĩa lúc cực khoái, ngoại trừ có một số trường hợp cho biết bị co thắt tử cung gây đau, tình trạng này do những biến đổi về hormon sau thời kỳ mãn kinh. Đau ở vùng bụng dưới, đôi khi lan đến âm đạo, đến môi lớn và xuống cả chân.

3. Thời kỳ giảm ham muốn tình dục nam (andropause)

Thời kỳ này được xác định qua một số các triệu chứng lâm sàng của tình trạng lão hóa kết hợp với tình trạng giảm đáng kể testosteron tự do. Các triệu chứng thường gặp trong thời kỳ giảm ham muốn tình dục nam: dễ bị mệt mỏi, giảm lực cơ, đôi khi có chứng vú to (gynécomastie), cơn đỏ bừng mặt, dễ vã mồ hôi, dễ kích thích, ăn không thấy ngon miệng, da nhăn nheo, thiếu tập trung, dễ bị trầm cảm, lo lắng và rối loạn giấc ngủ. Về mặt tình dục, giảm ham muốn tình dục và giảm khả năng cương dương vật. Về mặt nội tiết, giảm năng tuyến sinh dục (hypogonadisme hypergonadotrophique) kèm theo giảm testosteron tự do và tăng bù trừ FSH và LH. Lunenfeld và Berezin xác định chẩn đoán thời kỳ giảm ham muốn tình dục nam khi testosteron toàn phần dưới mức bình thường 30% hoặc khi testosteron tự do giảm 50%, kết hợp với hàm lượng LH tăng gấp đôi.

Về mặt điều trị hiện nay, liệu pháp hormon thay thế vẫn còn đang bàn cãi và thường không được dùng đối với đàn ông có hàm lượng testosteron bình thường. Liệu pháp này nguy hiểm vì sau một thời gian dùng thay thế androgen, bệnh nhân bị teo tinh hoàn, ngưng sản sinh tinh trùng, tăng cao số lượng hồng cầu (polyglobulie). Phương pháp thay thế androgen còn gây ra tình trạng tăng sản tiền lập tuyến, dễ tạo đà gây ung thư tiền lập tuyến, tăng cholesteron huyết, tăng huyết áp, mụn trứng cá, ngưng thở đột ngột lúc đang ngủ, đối với loại thuốc uống có thể gây tổn thương gan.

4. Tuổi mãn kinh (ménopause)

Đối với phụ nữ, tình trạng lão hóa chức năng tình dục không liên quan đến sự giảm oestrogen niệu nhưng đúng hơn là có liên quan đến một số yếu tố tâm lý. Vào tuổi mãn kinh, hiện tượng teo buồng trứng làm giảm sản xuất oestrogen và có thể làm teo âm đạo. Teo âm đạo lại gây ra chứng giao hợp đau, rò âm đạo và chảy máu sau khi giao hợp. Âm vật hơi giảm thể tích. Môi trở nên mảnh hơn và teo lại. Vòng đai âm đạo nhỏ lại làm cho dương vật khó đưa vào. Tử cung đôi khi co thắt do thiếu oestrogen. Leiblum và Bachman (1983) nhận xét rằng hoạt động tình dục đều đặn trong và sau tuổi mãn kinh có thể làm hạn chế tình trạng teo âm đạo. Thủ dâm cũng có thể được coi là biện pháp thay thế giao hợp có hiệu quả.

Điều trị bằng liệu pháp hormon thay thế cho oestrogen qua đường uống, qua da hoặc dùng kem bôi lên âm đạo có thể làm trơn âm đạo, tạo cho âm đạo giãn nở dễ dàng và làm tăng lượng máu dồn về âm đạo. Để có được tác dụng tối ưu, cần phải duy trì điều trị một thời gian từ 18 – 24 tháng. Progesteron còn ngăn ngừa được sự tăng sản nội mạc tử cung.

Do không hiểu biết về những thay đổi liên quan đến đáp ứng tình dục theo độ tuổi cho nên dễ giải thích sai về hiện tượng. Chẳng hạn, người nam coi tình trạng khó cương cứng và lâu cương, phóng tinh yếu hoặc mất khả năng phóng tinh lần hai theo khoảng cách thời gian thông thường, như là những biểu hiện đầu tiên của tình trạng rối loạn tình dục. Sự lo lắng của người bạn đời cũng có thể dẫn đến rối loạn cương dương vật.

5. Một số bệnh mạn tính về tình dục

– Bệnh tiểu đường týp 2 dễ gây tác động đến chức năng tình dục hơn là bệnh tiểu đường týp 1.

– Tai biến mạch máu não, bệnh phổi mạn tính, viêm động mạch, di chứng ngoại khoa.

– Bệnh tim mạch: 40 – 70% bệnh nhân giảm hoạt động tình dục sau khi bị nhồi máu cơ tim, sau khi bắc cầu mạch vành. Ngoài ra, thuốc cũng gây ảnh hưởng đến chức năng tình dục như thuốc lợi tiểu, thuốc chống cao huyết áp, digoxine, bêtabloquant, thuốc chống loạn nhịp như disopyramide.

Để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân tim mạch trong hoạt động tình dục, cần tôn trọng 2 nguyên tắc sau đây:

a. Nếu bệnh nhân có thể leo 2 khúc cầu thang mà không thấy khó chịu ở ngực, bệnh nhân có thể hoạt động tình dục.

b. Nếu nhịp tim tăng đến 120 nhịp/phút mà không bị đau thắt ngực, không thấy khó thở, không hạ huyết áp và không thấy thay đổi trên điện tâm đồ, hoạt động tình dục trong giới hạn an toàn.