Trẻ sống điều độ, già ít bệnh tật

Tuổi càng lớn, cộng thêm những tác động từ bên ngoài (khói, bụi, hóa chất, thuốc lá…) sẽ góp phần thúc đẩy quá trình lão hóa nhanh hơn.

Chăm sóc một bệnh nhân cao tuổi ở khoa lão Bệnh viện Nguyễn Trãi – Ảnh: L.TH.H.

Tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh. Song, để tuổi già ít ốm đau, ít mắc bệnh tật nguy hiểm thì phải phòng bệnh ngay từ khi còn trẻ tuổi. ThS-BS Phan Hữu Phước – trưởng khoa lão Bệnh viện Nguyễn Trãi, TP.HCM – cho biết:

Năm loại bệnh nguy hiểm

Khi lớn tuổi (60 tuổi trở lên), người già thường mắc năm loại bệnh tật nguy hiểm. Đó là cao huyết áp (HA). Cứ ba người có một người bị cao HA. Tuy nhiên, chỉ 1/3 trường hợp là có triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, chảy máu cam… Số còn lại không có triệu chứng và những người này chỉ biết mình cao HA khi đã có tai biến đứt mạch máu não hay nhồi máu cơ tim xảy ra.

Cơn đau thắt ngực là bệnh thiếu máu nuôi dưỡng cơ tim, chủ yếu do nguyên nhân xơ vữa động mạch vành. Diễn tiến nặng nề nhất của thiếu máu cơ tim là nhồi máu cơ tim, có thể gây tử vong.

Tai biến mạch máu não: trường hợp nặng phải nằm một chỗ, phải nuôi ăn qua ống. 2/3 trường hợp tai biến mạch máu não liên quan đến HA cao, còn lại là xảy ra trên người có HA bình thường hoặc HA thấp, liên quan đến xơ mỡ động mạch. Cần lưu ý có khi bệnh chỉ biểu hiện liệt nhẹ thoáng qua, được cho là trúng gió thông thường. Thật ra đó chính là sự khởi đầu của tình trạng tai biến mạch máu não nặng hơn về sau.

Tiểu đường: thường không có triệu chứng đặc biệt, một số trường hợp có thể thấy nước tiểu có kiến bu, mệt mỏi, sụt cân, tiểu nhiều, ăn nhiều. Người bị tiểu đường có thể nguy hiểm tính mạng bởi các biến chứng như nhiễm trùng chân tay, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, suy thận…

Loãng xương: thường không gây ra triệu chứng gì nhưng biến chứng đôi khi rất nguy hiểm như gãy cổ xương đùi, lúc đó mới xuất hiện triệu chứng đau. Hầu hết những người gãy cổ xương đùi đều tử vong từ 1-5 năm sau đó vì những biến chứng suy kiệt, loét da, nhiễm trùng…

Ngoài ra, các nhóm bệnh khác ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người cao tuổi như đau khớp, đau lưng, mất ngủ… cũng cần được quan tâm và điều trị đúng phương pháp. Bác sĩ Phước cho biết hầu hết các bệnh ở tuổi già đều có quá trình tích lũy 10-20 năm rồi mới bộc lộ.

Phòng bệnh tuổi già khi còn trẻ

Từ 25 tuổi trở đi, con người bắt đầu bước vào tiến trình lão hóa. Tuổi càng lớn, cộng thêm những tác động từ bên ngoài (khói, bụi, hóa chất, thuốc lá…) sẽ góp phần thúc đẩy quá trình lão hóa nhanh hơn. Đặc biệt, lối sống kiểu hiện đại ngày nay có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe sau này: cuộc sống căng thẳng, mất thăng bằng, lao động quá mức, ăn uống quá dư thừa, nghỉ ngơi – ngủ không đầy đủ, thiếu rèn luyện cơ thể, tình cảm luôn bận rộn… chính là những nguyên nhân làm gia tăng nhiều bệnh lý nguy hiểm kể trên ở tuổi già, giảm tuổi thọ hiện nay.

Vì vậy, ngay từ khi còn trẻ, mỗi người cần cố gắng giữ thật điều độ trong công việc, ăn uống, nghỉ ngơi, giấc ngủ. Chú ý giữ cho tinh thần luôn vui tươi, thoải mái. Thường xuyên rèn luyện thân thể, đây là việc rất quan trọng cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy thể dục thể thao làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch như cao HA, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, bệnh khớp, loãng xương… Các loại hình nên tập là chạy bộ, bơi lội, đi xe đạp, đi bộ, chạy tại chỗ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền, thái cực kiếm, yoga… Tập mỗi lần tối thiểu 30-45 phút thì mới có tác dụng tối ưu cho sức khỏe.

Ngoài ra, cũng nên hạn chế hút thuốc lá vì có hại cho phổi, có thể dẫn đến ung thư phổi, viêm phế quản mãn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nguy hiểm hơn, thuốc lá còn là yếu tố nguy cơ của bệnh nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, cao HA… Hạn chế uống nhiều rượu vì có thể bị tai biến mạch máu não hoặc chấn thương do té ngã.

Theo LÊ THANH HÀ ghi  Báo Tuổi Trẻ